Khăn piêu là sản phẩm văn hoá in đậm bản sắc của dân tộc Thái. Khăn piêu không chỉ là trang phục mà còn là biểu tượng tín ngưỡng. Theo quan niệm của người thái, khăn piêu còn là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm hạnh, sự đảm đang của người phụ nữ thái.
Trong sắc phục của phụ nữ đồng bào dân tộc Thái, khăn Piêu là vật không thể thiếu, được dùng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, che nắng, che gió, giữ ấm về mùa đông. Ngoài ra còn vừa là điểm nhấn để tôn lên vẻ đẹp riêng có của người con gái Thái.Khi mặc trang phục truyền thống, người con gái Thái thường đội trên đầu khăn Piêu để tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng trong bộ áo cóm bằng sự rực rỡ sắc màu của chiếc khăn Piêu.
Khăn Piêu được phụ nữ Thái dệt từ bông vải. Khi vải dệt thành tấm đem nhuộm chàm vài lần cho kỹ, vải sẽ không bị bạc màu. Bà con thường dùng khổ vải rộng khoảng 40 phân, dài khoảng một sải tay và được thêu thùa 2 đầu khăn.
Chỉ thêu khăn Piêu thường dùng chỉ tơ tằm nhuộm thành màu xanh, đỏ, tím, vàng...
Các họa tiết trên khăn Piêu thường được thêu rất cầu kỳ, dễ dàng nhận ra những đường thêu hình hạt Trám (hình thoi) trên hầu hết các loại khăn Piêu. Bởi theo quan niệm của người Thái hạt Trám có ý nghĩa may mắn, bền vững. Các màu sắc trên khăn Piêu còn tượng trưng cho sự thủy chung giữa người vợ và người chồng.
i